Bình chịu áp lực là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và được quản lý bằng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01: 2008/BLĐTBXH. Bình chịu áp lực là thiết bị chủ yếu gắn liền với máy nén khí hoặc trên hệ thống chứa khí,... Trong bài viết này chúng ta nghiên cứu những quy định pháp luật mà chủ sở hữu, người quản lý, người vận hành cần phải nắm đối với bình chịu áp lực (mới) có áp suất từ 0,7 bar trở lên thuộc quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cụ thể sau:
1. Chứng nhận hợp quy
Theo QCVN 01: 2008/BLĐTBXH và QTKĐ: 07 - 2016/BLĐTBXH, bình chịu áp lực trước khi tiến hành kiểm định ban đầu phải được chứng nhận phù hợp quy chuẩn (hay gọi khác là chứng nhận hợp quy). Việc chứng nhận hợp quy chỉ được thực hiện bởi các tổ chức được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ định.
Xử phạt khi không chứng nhận hợp quy bình chịu áp lực?
Không chứng nhận hợp quy bình chịu áp lực thì bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng tại khoản 3 Điều 24 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
2. Kiểm định kỹ thuật an toàn và chu kỳ kiểm định
Kiểm định bình chịu áp lực có 03 chế độ: Kiểm định kỹ thuật an toàn lần đầu; Kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ; Kiểm định kỹ thuật an toàn bất thường.
Việc kiểm định bình chịu áp lực chỉ được thực hiện bởi các tổ chức được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ định. Quy trình kiểm định và chu kỳ kiểm định bình chịu áp lực được quy định theo QTKĐ: 07 - 2016/BLĐTBXH (Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn bình chịu áp lực) hoặc xem chi tiết tại: https://kiemdinhvung3.com/kiem-dinh-ky-thuat-thiet-bi-an-toan/quy-trinh-kiem-dinh-an-toan-binh-chiu-ap-luc
Lưu ý: Quá trình kiểm định kỹ thuật an toàn bình chịu áp lực phải kiểm định đồng hồ áp suất (áp kế) và thử nghiệm van an toàn. Việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo lường phải được thực hiện bởi các tổ chức do Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia chỉ định (tiền thân là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ KHCN).
Xử phạt khi không kiểm định kỹ thuật an toàn?
Không thực hiện kiểm định bị xử phạt từ 20 - 75 triệu đồng (tùy theo số lượng thiết bị) tại khoản 4 Điều 24 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
3. Khai báo sử dụng đối tượng kiểm định về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Nghị định 04/2023/NĐ-CP và Thông tư 16/2017/TT-BLĐTBXH quy định: Trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ ngày đưa vào sử dụng bình chịu áp lực, tổ chức, cá nhân phải gửi 01 bộ hồ sơ khai báo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương tại nơi sử dụng.
Xử phạt khi không khai báo sử dụng đối tượng kiểm định về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội?
Không khai báo sử dụng đối tượng kiểm định về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội bị phạt từ 1 -2 triệu đồng tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
4. Đào tạo nghề cho người vận hành bình chịu áp lực
Tại mục 5.1.8 của QCVN 01: 2008/BLĐTBXH: Chỉ được bố trí người từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ; đã qua đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ, được huấn luyện an toàn có kiểm tra sát hạch đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật về huấn luyện an toàn, được chủ cơ sở cấp thẻ an toàn lao động và giao nhiệm vụ bằng văn bản vào vận hành bình chịu áp lực.
Tại mục 8.1.3 quy định: Cấp bằng nghề, chứng chỉ nghề, giấy chứng nhận huấn luyện an toàn về nghiệp vụ:
+ Việc cấp bằng nghề, chứng chỉ nghề phải do cơ sở có chức năng thực hiện và phải tuân thủ theo quy định hiện hành của Nhà nước về dạy nghề.
Xử phạt khi không được đào tạo và cấp chứng chỉ mà vận hành bình chịu áp lực?
Tại Khoản 3, Điều 24, Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi vi phạm một trong các quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (trong đó có hành vi vận hành bình chịu áp lực mà không qua đào tạo).
5. Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhóm 3 và cấp thẻ an toàn cho người vận hành bình chịu áp lực
Tại mục 5.1.8 của QCVN 01: 2008/BLĐTBXH quy định: Chỉ được bố trí người từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ; đã qua đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ, được huấn luyện an toàn có kiểm tra sát hạch đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật về huấn luyện an toàn, được chủ cơ sở cấp thẻ an toàn lao động và giao nhiệm vụ bằng văn bản vào vận hành bình chịu áp lực.
Xử phạt khi không huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và cấp thẻ an toàn cho người vận hành bình chịu áp lực?
Không huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và cấp thẻ an toàn cho người vận hành bình chịu áp lực bị phạt từ 5 - 50 triệu đồng (tùy theo số lượng người lao động) tại Điều 25 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
6. Hồ sơ, tài liệu kỹ thuật của bình chịu áp lực cần lưu giữ
Theo QCVN 01: 2008/BLĐTBXH và QTKĐ: 07 - 2016/BLĐTBXH: Ngoài các giấy tờ từ mục 1 đến mục 5 của bài viết, hồ sơ về bình chịu áp lực cần lưu trữ thêm gồm:
- Hồ sơ lý lịch, bản vẽ
- Hồ sơ xuất xưởng
- Hồ sơ lắp đặt
- Các báo cáo kết quả hiệu chuẩn thiết bị đo lường; biên bản kiểm tra tiếp đất, chống sét, thiết bị bảo vệ (nếu có).
- Hồ sơ về quản lý sử dụng, vận hành, bảo dưỡng; biên bản thanh tra, kiểm tra,...
Xử phạt khi không lưu trữ hồ sơ đầy đủ về bình chịu áp lực?
Không lưu trữ hồ sơ đầy đủ về bình chịu áp lực thì bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Trên đây là các nội dung quản lý bình chịu áp lực theo QCVN 01: 2008/BLĐTBXH và các văn bản phát luật có liên quan.
KĐV Trần Nhựt An – Trung tâm Kiểm định Hiệu chuẩn Vùng 3