Nồi hấp tiệt trùng là gì?
Nồi hấp tiệt trùng là thiết bị sử dụng để khử trùng các dụng cụ thí nghiệm, dụng cụ y tế dưới tác động của hơi nước bão hòa với áp suất cao, thường được sử dụng trong các bệnh viện, phòng khám, phòng nghiên cứu, nuôi cấy vi sinh,…
Ngoài ra, trong công nghiệp nồi hấp còn được sử dụng để xử lý composit khi lưu hóa cao su. Đối với ngành công nghiệp điện tử, nồi hấp tiệt trùng tạo ra môi trường thích hợp (nhiệt độ cao, áp suất lớn) để phát triển tinh thể thạch anh.
Một số loại nồi hấp tiệt trùng (Nồi hấp y tế) trên thị trường
Cấu tạo của nồi hấp tiệt trùng
Về cơ bản, một nồi hấp tiệt trùng gồm 5 bộ phận chính:
– Buồng tiệt trùng: Thường làm từ Inox 304 (hoặc 316) đảm bảo cho sản phẩm bền vững, sử dụng lâu dài trong môi trường ẩm, nhiệt độ và áp suất cao. Dạng hình trụ, chịu được áp lực lớn.
– Hệ thống ống dẫn khí áp lực: Kiểm soát nhiệt độ và áp suất trong buồng hấp. Cấu tạo từ các ống đồng kết hợp van điện từ
– Hệ thống an toàn: Gồm các cảm biến nhiệt, đồng hố áp suất, van an toàn. mực nước,…
– Hệ thống gia nhiệt: Được làm từ sợi đốt bọc cách điện – nhiệt, lớp ngoài bằng đồng mạ Chrome hoặc Inox
– Hệ thống mạch điện: Gồm các bo mạch nguồn, hiển thị, điều khiển,… giúp các bộ phận kết nối và hoạt động nhịp nhàng.
Cấu tạo của nồi hấp tiệt trùng
Quy định của pháp luật khi sử dụng nồi hấp tiệt trùng
1. Đối với thiết bị
Để đảm bảo khả năng tiệt trùng tốt nhất, nồi hấp tiệt trùng thường được thiết kế và hoạt động với áp suất ≥ 1 bar (~ 1 kg/cm2), nhiệt độ hoạt động >121oC.
Ngày 30 tháng 12 năm 2019, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH – Ban hành Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó, các thiết bị có trong danh mục này cần phải được kiểm định kỹ thuật an toàn lần đầu trước khi đưa vào sử dụng, kiểm định định kỳ khi hết hạn kiểm định trước đó và kiểm định bất thường khi có sửa chữa, thay đổi vị trí lắp đặt.
Cũng theo Mục I của Thông tư này: Các loại máy, vật tư, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động bao gồm
“Nồi hơi các loại (bao gồn cả bộ quá nhiệt và bộ hâm nước) có áp suất làm việc định mức của hơi trên 0,7 bar; nồi đun nước nóng có nhiệt độ môi chất trên 115oC”
Như vậy, nồi hấp tiệt trùng cũng là thiết bị thuộc danh mục này và cần phải được kiểm định kỹ thuật an toàn trong quá trình sử dụng.
Quy trình kiểm định nồi hấp tiệt trùng được áp dụng theo QTKĐ: 01-2016/BLĐTBXH – Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn nồi hơi và nồi đun nước nóng có nhiệt độ môi chất trên 115oC.
Kiểm định viên của SMTEST III tiến hành kiểm định nồi hấp tiệt trùng
Lưu ý: Đối với các cơ sở, doanh nghiệp có áp dụng quy trình sản xuất GMP (Good Manufacturing Practices - Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt áp dụng trong sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng ổn định, đạt tiêu chuẩn đã đăng ký và điều kiện vệ sinh an toàn trong quá trình sản xuất) thì cơ sở, doanh nghiệp cần phải tiến hành thực hiện việc hiệu chuẩn nhiệt độ cho nồi hấp tiệt trùng nhằm xác định sai số nhiệt độ của nồi hấp.
Tùy theo nhu cầu làm việc, các cơ sở, doanh nghiệp có thể yêu cầu đơn vị có chức năng thực hiện hiệu chuẩn 1 hoặc nhiều điểm nhiệt của nồi hấp tiệt trùng.
GMP áp dụng cho thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe
2. Đối với người vận hành
Theo Mục 5.1.8, Điều 5 - QCVN 01:2008/BLĐTBXH - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động nồi hơi và bình chịu áp lực:
“5.1.8. Chỉ được bố trí người từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ; đã qua đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ (theo quy định tại Điều 8.1 của Quy chuẩn này), được huấn luyện an toàn có kiểm tra sát hạch đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật về huấn luyện an toàn, được chủ cơ sở cấp thẻ an toàn lao động và giao nhiệm vụ bằng văn bản vào vận hành nồi hơi, bình chịu áp lực”
và Điều 8 - QCVN 01:2008/BLĐTBXH, quy định như sau:
“8. Quy định về người quản lý, vận hành nồi hơi, bình chịu áp lực và thợ hàn áp lực
8.1. Người vận hành nồi hơi, bình chịu áp lực phải được đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ nêu tại Điều 5.1.8 của Quy chuẩn này được quy định như sau:
8.1.1.Việc đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ được thực hiện dưới các hình thức:
+ Đào tạo qua các trường chuyên ngành, cơ sở dậy nghề, trung tâm huấn luyện, cơ quan kiểm định, cơ sở chế tạo;
+ Đào tạo, huấn luyện tại cơ sở; mở lớp tập trung hoặc trong quá trình tiếp nhận, lắp đặt, vận hành thử nghiệm nồi hơi, bình chịu áp lực.
8.1.2. Nội dung đào tạo:
+ Kiến thức cơ bản về nồi hơi, bình chịu áp lực, chuyên sâu về thiết bị được vận hành;
+ Thực tập thực tế kỹ năng vận hành, xử lý sự cố thường gặp;
+ Kiểm tra, sát hạch.
8.1.3. Cấp bằng nghề, chứng chỉ nghề, giấy chứng nhận huấn luyện an toàn về nghiệp vụ:
+ Việc cấp bằng nghề, chứng chỉ nghề phải do cơ sở có chức năng nêu tại Mục 5.1.8 thực hiện và phải tuân thủ theo quy định hiện hành của Nhà nước về dạy nghề.
+ Người vận hành chính nồi hơi sản xuất điện- nhiệt phải có bằng nghề, các nồi hơi khác phải có chứng chỉ nghề
+ Người theo dõi phục vụ, không vận hành trực tiếp nồi hơi nêu trong điều 5.2.5 của Quy chuẩn này và người vận hanh bình chịu áp lực tối thiểu phải có chứng nhận huấn luyện an toàn về nghiệp vụ.
8.2. Người quản lý nồi hơi, bình chịu áp lực phải là người nắm vững nội quy, quy trình vận hành an toàn và xử lý sự cố của tất cả nồi hơi, bình chịu áp lực được giao của cơ sở; các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn lao động và các quy định của Nhà nước, Bộ, ngành, cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) có liên quan đến công tác quản lý loại thiết bị này.”
Theo đó, người vận hành nồi hấp tiệt trùng phải được đào tạo nghề và được cấp chứng chỉ vận hành thiết bị. Cùng với đó, người vận hành nồi hấp tiệt trùng hằng năm phải được tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP và Nghị định 140/2018/NĐ-CP, được cấp thẻ an toàn lao động nhóm 3 – đối với người lao động làm công tác vận hành máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt thì mới được phép vận hành thiết bị.
Kết luận:
- Nồi hấp tiệt trùng là thiết bị sử dụng hơi nước ở nhiệt độ cao để khử trùng các trang thiết bị vật tư y tế, thí nghiệm,…
- Cơ sở, doanh nghiệp sử dụng nồi hấp tiệt trùng cần thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước:
+ Kiểm định an toàn nồi hấp theo quy định tại Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH
+ Hiệu chuẩn nhiệt độ của nồi hấp tùy theo mục đích sử dụng
+ Người vận hành nồi hấp tiệt trùng phải có chứng chỉ đào tạo nghề
+ Thực hiện huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người vận hành nồi hấp tiệt trùng theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP và Nghị định 140/2018/NĐ-CP.
SMTEST III là đơn vị được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp phép chức năng kiểm định kỹ thuật an toàn các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt cũng như huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và đào tạo sơ cấp nghề.
Quý cơ sở, đơn vị có nhu cầu sử dụng các dịch vụ trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất:
Trung tâm Kiểm định an toàn và đo lường III
Điện thoại: (0274) 3 899 738 - Email: viet@vietsci.com
Mr. Đông - 0915 940 738 - Email: dvdong@vietsci.com
Mr. Tân - 0916110738 - Email: nmtan@vietsci.com